THỊ TRƯỜNG PHÁI SINH HÀNG HÓA THẾ GIỚI: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

THỊ TRƯỜNG PHÁI SINH HÀNG HÓA THẾ GIỚI: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

Sản phẩm phái sinh đã trở thành  công cụ tài chính quan trọng của thị trường tài chính và hoạt động thương mại các nước ngày nay. Công cụ phái sinh cung cấp các loại bảo vệ rủi ro thúc đẩy xây dựng các chiến lược đầu tư sáng tạo. Khoảng 30 năm trước đây, thị trường phái sinh chỉ mang tính nhỏ lẻ và nội bộ các nước. Nhưng đến nay, thị trường phái sinh đã có những bước phát triển ấn tượng gần 20% mỗi năm trong thập kỷ qua đóng góp vào thị trường tài chính toàn cầu con số khoảng 687 nghìn tỷ đôla Mỹ tính theo tổng giá trị danh nghĩa hợp đồng giao dịch chưa đáo hạn. Chưa từng có công cụ tài chính nào trải nghiệm sự đổi mới phát triển nhanh chóng như vậy. Sự đổi mới công nghệ và sản phẩm cùng sự cạnh tranh tích cực trong thị trường phái sinh thế giới đã thúc đẩy sự tăng trưởng ấn tượng đó, đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Để có nhìn tổng quan hơn chặng đường ra đời và phát triển của thị trường phái sinh thế giới, trong bài này, đầu tiên sẽ đi khái quát những điều cần biết về thị trường phái sinh hàng hóa, tìm hiểu những nhu cầu về phái sinh hàng hóa từ nền kinh tế, quá trình và tình hình phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa, sau đó xét tới điểm lưu ý trước tiềm năng phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa.
Khái quát thị trường phái sinh hàng hóa
Thị trường phái sinh hàng hóa là thị trường phát hành và mua đi bán lại các hàng hóa phái sinh. Hàng hóa phái sinh hay phái sinh hàng hóa (derivatives), theo cách hiểu chung nhất, là một khoản đầu tư có giá trị phụ thuộc vào giá trị một khoản đầu tư cơ bản khác. Chi tiết hơn, phái sinh hàng hóa là những hợp đồng tài chính, hay công cụ tài chính mà giá trị của nó dựa vào giá trị của các tài sản cơ bản (underlying asset), nhằm mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Các tài sản cơ bản ở đây có thể là Tài sản vật chất chẳng hạn như nhiều loại hàng hóa (nguyên vật liệu, ngũ cốc và hạt có dầu, kim loại, động vật sống, năng lượng…); Tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại, các khoản vay; Rổ tài sản như tổ hợp bất động sản thế chấp, tổ hợp các khoản cho vay…; Các chỉ số (index) như: lãi suất, tỉ giá, chứng khoán, giá tiêu dùng; hay thậm chí là các công cụ phái sinh khác và nhiều loại khác. Khi giá trị của tài sản cơ bản thay đổi thì giá trị hàng hóa phái sinh của nó cũng thay đổi theo và hàng hóa phái sinh sẽ là đòn bẩy, làm tăng nhiều lần giá trị các tài sản cơ bản.
Các hàng hóa phái sinh rất phong phú và đa dang nên có nhiều cách phân loại hàng hóa phái sinh. Nếu dựa theo loại thị trường giao dịch thì phái sinh chia làm hai loại : phái sinh giao dịch song phương trên thị trường phái sinh phi tập trung OTC (hầu hết là các hợp đồng phái sinh với tiêu chuẩn và điều kiện do các bên tự thỏa thuận) và phái sinh giao dịch đa phương trên thị trường phái sinh tập trung (các phái sinh đã được tiêu chuẩn hóa). Nếu dựa theo tài sản cơ bản để hình thành sản phẩm phái sinh thì phái sinh được chia làm 6 loại cơ bản: Phái sinh từ thu nhập cố định (fixed – income derivatives), phái sinh hối đoái (foreign exchange derivatives), phái sinh rủi ro tín dụng (credit risk derivatives), phái sinh vốn (equities derivatives), phái sinh chỉ số cổ phiếu (equity indices derivatives) và phái sinh hàng hóa (commodities derivatives). Nhưng nhìn chung, người ta thường dựa trên loại sản phẩm phái sinh (type of product) để phân loại. Theo cách phân loại này, phái sinh có năm công cụ chính là: hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng tương lai (futures), quyền chọn (options), hợp đồng hoán đổi (swaps) và phái sinh tổ hợp (synthetic derivatives hoặc Advanced Structures). Trong đó, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và quyền chọn được coi là bộ công cụ cơ bản trong thị trường phái sinh. Hợp đồng kỳ hạn là một thỏa thuận mua/bán một loại tài sản nhất định tại một thời điểm tương lai với giá xác định. Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mang tính pháp lý được tạo lập trên một Sàn giao dịch có tổ chức để mua/bán một loại tài sản nhất định vào một thời điểm định trước trong tương lai với mức giá xác định. Mặc dù hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai có thể sử dụng để phòng ngừa rủi ro (do giá đã xác định trong tương lai), nhưng vì cả 2 dạng hợp đồng này đều bắt buộc thực hiện khi đến hạn nên nó cũng mất cơ hội kinh doanh, nếu như sự biến động giá thuận lợi. Đây là nhược điểm lớn nhất của hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai. Để khắc phục nhược điểm này, một dạng hợp đồng mới được tạo ra gọi là hợp đồng quyền chọn. Quyền chọn là một dạng đặc quyền, trong đó cho phép người mua đặc quyền này có quyền, nhưng không có nghĩa vụ phải mua/bán một tài sản nhất định với mức giá xác định trong một khoảng thời gian xác định hoặc vào một thời điểm xác định trong tương lai. Hợp đồng hoán đổi cũng là một công cụ phái sinh dựa trên sự trao đổi và thực hiện hợp đồng trong lĩnh vực lãi suất và tiền tệ. Nhiều công ty, ngân hàng muốn có hợp đồng hoán đổi để ấn định tỷ lệ lãi suất nhằm giảm thiểu sự bất ổn trong kinh doanh. Cụ thể, có thể hiểu, hợp đồng hoán đổi là một cam kết song phương, theo đó các nhà đầu tư sẽ trao cho nhau vào một ngày nhất định một số lượng nhất định đồng tiền của một quốc gia A để lấy một số lượng nhất định đồng tiền của quốc gia B đã được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ hiện tại trong một thời hạn xác định, với điều hứa hoàn lại vốn khi đến kỳ hạn. Về sau này, dựa trên sự kết hợp của 4 loại phái sinh trên và sử dụng “kỹ nghệ tài chính” (financial engineering), đã hình thành nên loại phái sinh tổ hợp với đặc điểm của sản phẩm phái sinh cơ bản khác nhau với mục đích quản lý rủi ro, chuyển đổi rủi ro.
Nhu cầu hàng hóa phái sinh của nền kinh tế thế giới
Sự vận động và phát triển của nền kinh tế thế giới đã khiến thị trường phái sinh hàng hóa hình thành như một quy luật tất yếu khách quan. Nguồn gốc hình thành của phái sinh hàng hóa xuất phát từ  bản chất của hoạt động thương mại, trao đổi mua bán “hàng hóa”. Khi thế giới xuất hiện thị trường, tức có sự trao đổi mua bán thì phái sinh hàng hóa cũng manh nha định hình theo. Một thị trường cơ bản phụ thuộc vào quá trình trao đổi, mua bán. Quá trình thương mại này bao gồm 2 bước : Đầu tiên, người mua và người bán thỏa thuận mức giá thị trường cho hàng hóa giao dịch. Bước hai, hoàn tất trao đổi, thường với một bên thanh toán tiền mặt để đổi lấy một lượng hàng hóa giao dịch trong thỏa thuận từ trước. Trong nhiều giao dịch trao đổi, thời gian thỏa thuận giá cả, thời gian thanh toán tiền hay giao hàng là khác nhau. Bởi các nguyên nhân như sự chậm trễ trong chuyển nhượng, do gặp khó khăn trong giao thông vận tải, do mùa vụ thu hoạch của các hàng hóa trao đổi là khác nhau. Do đó, tại các thị trường sơ khai, nhiều giao dịch đã tách biệt giai đọan thỏa thuận giá và giai đọan chuyển tiền hoặc giao hàng. Trong một số trường hợp, việc tách biệt như vậy tạo nên các điều kiện ràng buộc trong thỏa thuận, cơ sở hình thành của giao dịch hàng hóa phái sinh. Như vậy, sự đa dạng của các thể thức thỏa thuận giao hàng đã phát triển các loại phái sinh. Ví dụ, hợp đồng kỳ hạn về nghĩa vụ nhận hàng với giá đã thoả thuận. Hơp đồng quyền chọn liên quan đến có quyền nhưng không có nghĩa vụ nhận hàng theo giá thoả thuận. Việc sử dụng phái sinh chứng khoán hầu như luôn luôn nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại. Như Hieronymus (1971) nhận xét, việc sử dụng các hàng hóa phái sinh để tạo điều kiện trao đổi thương mại đã là một phần không thể thiếu cho sự phát triển thị trường. Điều này đặc biệt rõ ràng ở các thị trường nguyên sơ, khi vị trí địa lý rất xa, khó khăn trong đi lại và vận chuyển thì việc ký kết hợp đồng chuyển hàng kỳ hạn là một liều thuốc hỗ trợ cần thiết để thực hiện trao đổi thành công trên cơ sở tiền – hàng thông qua một tính năng thiết yếu của hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn là xác lập một mức giá cho một giao dịch sẽ diễn ra vào một ngày trong tương lai.
Cho đến ngày nay, khi nền kinh tế thị trường đã phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về hàng hóa phái sinh lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.  Với việc mở cửa ra toàn cầu để hội nhập và áp dụng các chính sách tự do hóa kinh tế, thế giới đã vươn tới nền kinh tế thị trường tự do. Bản thân hoạt động cấu trúc tài chính phức tạp trong nền kinh tế thị trường tự do mang lại các giao dịch thương mại đa biên, đa đồng tiền thanh toán. Điều này khiến nhiều bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp gặp phải nhiều rủi ro khác nhau, như rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro kinh tế và rủi ro chính trị. Thêm vào đó, với sự tích hợp của thị trường tài chính các quốc gia và khả năng tự do huy động vốn, rủi ro lại ngày càng tăng theo cấp số nhân. Ví dụ, khi nền kinh tế để tỷ giá hối đóai thả nổi, họ phải đối mặt với các rủi ro biến động tỷ giá. Sự giảm thiểu điều tiết lãi suất cũng gây ra rủi ro lãi suất cho các bên tham gia thị trường tài chính. Bên cạnh đó, bất kỳ tài sản nào – dù là hàng hóa vật chất như nông sản, máy móc, kim loại cho đến hàng hóa tài chính như cổ phiếu hay đồng tiền mỗi quốc gia đều có sự giảm giá trị theo thời gian do các nhân tố nội tại vốn có hoặc bên ngoài như điều kiện thị trường, chính sách Chính phủ, tình trang kinh tế - chính trị hiện hành của mỗi quốc gia. Trước tình trạng như vậy, nhiều cá nhân cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu bảo vệ giá trị tài sản, lợi nhuận hoạt động bằng cách chuyển một số rủi ro tài chính khó kiểm soát đến những nơi có thể chấp nhận mức độ rủi ro đó và quản lý chúng. Vì vậy, trước những biến động khó lường của các thị trường tài chính ngày nay, quản lý rủi ro đã trở thành nhân tố tiên quyết cho sự sống còn và phát triển  trong nền kinh tế. Trong tình hình này, thị trường hàng hóa phái sinh với cơ chế giảm thiểu rủi ro của mình đóng một vai trò quan trọng. Thực tế thì các công ty dịch vụ tài chính khá năng động trong việc đối phó các rủi ro như vậy. Họ có thể đảm bảo sẽ phòng ngừa được các rủi ro trên thông qua sử dụng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn, hợp đồng hoán đổi. v..v.. Các sản phẩm phái sinh cho phép khách hàng của nó có thể chuyển giao rủi ro tài chính cho các công ty dịch vụ tài chính. Điều này thực tế sẽ bảo vệ khách hàng khỏi những rủi ro khó lường và hỗ trợ họ có được lợi nhuận hoạt động hoặc đảm bảo dự án hoạt động trong chi phí ngân sách đã định. Như vậy, chính nhu cầu phòng ngừa các loại rủi ro đa dạng mà con người phải đối mặt trong thị trường tài chính đã chứng minh các sản phẩm phái sinh là cần thiết, giúp hình thành nên thị trường phái sinh và cũng giúp các sản phẩm phái sinh đa dạng, phức tạp hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
Quá trình phát triển của thị trường phái sinh thế giới
Với sự phân tích nhu cầu hàng hóa phái sinh của nền kinh tế ở trên, có thể thấy hàng hóa phái sinh có một bề dầy lịch sử phát triển. Hàng hóa phái sinh đã hình thành từ hơn 100.000 năm trước, khi con người bắt đầu trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Vấn đề vướng mắc trong hoạt động trao đổi lúc đó là rất khó giao dịch giữa các hàng hóa có thời kỳ thu hoạch khác nhau trong năm. Giải pháp đưa ra là sử dụng mặt hàng khó hỏng hoặc giữ được lâu như rượu vang, ngũ cốc làm trung gian trao đổi. Ví dụ, có thể trao đổi mặt hàng dễ hư với rượu vang để sau đó, từ rượu vang đổi lấy sản phẩm của vụ mùa cuối năm đó; tiền tệ trao đổi lúc này là rượu vang. Những hoạt động trao đổi này cuối cùng dẫn đến sự phát triển của tiền tệ hàng hóa (commodity money), một công cụ giá trị trung gian hỗ trợ mở rộng cơ hội trao đổi hàng hóa có thời vụ khác nhau. Hầu như mỗi nền văn minh sẽ phát triển một cơ sở tiền tệ hàng hóa để thực hiện các giao dịch. Ở đây người ta sử dụng hàng hóa lâu bên để đổi lấy thỏa thuận nhận được một lượng hàng hóa trong tương lai (sau khi thu hoạch vụ mùa), một sự manh nha của hợp đồng kỳ hạn. Đến khoảng 8000 năm trước Công nguyên, khi chữ viết và toán học phát triển ở nước Sumer, nằm ở khu vực sông Tigris và Euphrates, tại Trung Đông, người Sumer sử dụng thẻ đất cùng lọ đất thay thế rượu vang làm hợp đồng thỏa thuận cung cấp một lượng hàng hóa (đánh dấu bằng thẻ đất) vào một ngày nhất định (thời gian ấn định ghi trên lọ đất) với giá cả (có thể là lượng hàng hóa khác) ấn định ở ngày thỏa thuận. Đến khoảng 3.500 trước Công nguyên, người Sumer thay thế lọ đất thành bảng đất sét. Những giao dịch lúc đó đã tương tự như hợp đồng kỳ hạn. Đến thời kỳ cổ đại, nhiều nơi cũng xuất hiện hàng hóa phái sinh. Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, người Athen thiết lập hợp đồng vận chuyển thương mại tương tự như hợp đồng kỳ hạn. Đến khoảng 1100, các thương gia Châu Âu phát triển “văn tự hội chợ” (fair letter) –giống như thư tín dụng giữa người mua và người bán. Những lá thư này sau đó sẽ được thanh toán tại hội chợ thương mại khu vực châu Âu như Hội chợ Champagne và Brie của Pháp, thị trường thương mại chính ở Bắc Âu. Người bán hàng sẽ tập trung hàng hóa sẵn ở hội chợ và người mua sẽ cung cấp một “văn tự” làm phương tiện thanh toán và mua hàng. Hội chợ Champagne lúc mới thành lập chỉ phục vụ cho trao đổi nông sản, nhưng về sau phát triển thành thị trường thương mại lớn với nhiều mặt hàng. Hội chợ Champagne trở thành trung tâm thanh toán bù trừ quốc tế cho các giấy nợ, thư tín dụng. Người bán nhận được “văn tự hội chợ” hay thư tín dụng. Thư này sẽ được nhà kim hoàn tại địa phương phụ cận thanh toán. Tại giai đoạn này, nhà kim hoàn là nơi thương nhân gửi và giữ tiền tại đó. Sau này, các nhà kim hoàn sẽ phát triển thành các ngân hàng. Do chiến tranh và vấn đề chính trị, các hội chợ di chuyển từ vùng Champagne sang thành phố cảng Burges. Đến khoảng 1309, Bruges trở thành một trong những thành phố thương mại có thị trường tiền tệ tinh vi nhất ở Châu Âu, với các hợp đồng kỳ hạn được định hình và mua bán. Nhưng đến 1500, Bruges suy thoái dần và hoạt động thương mại phải chuyển đến thành phố cảng Antwerp. Năm 1515, thành phố cảng Antwerp thiết lập Bourse, một tòa nhà dành riêng cho thương nhân địa phương và quốc tế để tập trung nhau lại và tiến hành kinh doanh thương mại. Trước khi có Bourse, thương nhân thường gặp nhau tại một địa điểm và thời gian nhất định để tiến hành thỏa thuận. Kể từ khi trở thành thị trường thương mại quốc tế quanh năm, thị trấn Antwerp tăng trưởng nhanh chóng và Bourse đã trở thành địa điểm trao đổi thương mại ưa chuộng ở Bắc Âu. Hàng dệt may của Anh, gia vị của Bồ Đào Nha, và đồ kim loại của Đức đã được giao dịch ở Antwerp. Do sự thành công của nó, đến năm 1531, tòa nhà Bourse mới và lớn hơn được xây dựng ngoài thành phố theo quy hoạch phát triển đặc biệt với việc đặt hoạt động thương mại làm trung tâm. Cách xa cảng và kho hàng nhưng Bourse mới là nơi hợp đồng và các công cụ tài chính khác được giao dịch. Thương nhân không trực tiếp mua hàng hóa mà họ đã mua và bán quyền sở hữu các mặt hàng - tài sản vô hình. Một thị trường tài chính thực sự đã được thành lập nhưng hàng hóa phái sinh được trao đổi đa số vẫn là hợp đồng kỳ hạn. Antwerp thịnh vượng cho đến năm 1648.
Trong 200 năm tiếp sau, trao đổi thương mại hàng hóa trong thế giới phương Tây  sử dụng các thỏa thuận hợp đồng tương tự như hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, nói chung, các thỏa thuận vẫn phải giải quyết trực tiếp với nhau, một dạng phi tập trung thời trung cổ (OTC). Mỗi bên phải tin tưởng bên khác để giao dịch. Như vậy, ta có thể thấy phái sinh hàng hóa đã có từ lâu đời, hình thành và định hình dần dần từ sản phẩm phái sinh cơ bản: hợp đồng kỳ hạn; chỉ có sự manh múng của thị trường phái sinh phi tập trung, chưa có một thị trường phái sinh chính thức. Mãi về sau, phương Đông (Châu Á) mới sản sinh ra thị trường hàng hóa phái sinh đầu tiên trên thế giới.
Vào thời kỳ phong kiến tại Nhật bản, khoảng năm 1700, các nhà cai trị nông thôn đã đánh và thu thuế bằng gạo. Để thu tiền về, họ mang gạo đến các thành phố như Osaka, để lưu trữ và bán tại cuộc đấu giá. Chỉ các nhà buôn được cấp phép mới có quyền thầu gạo tại cuộc đấu giá. Bên thắng thầu sẽ nhận được một chứng từ nhận gạo, khi đem chứng từ và tiền thanh toán thì họ sẽ nhận được gạo. Về sau, các chứng từ này trở nên có khả năng chuyển nhượng; một thị trường mới phục vụ mua và bán chứng từ hình thành và phát triển giữa các thương gia. Đến khoảng 1730, với sự hỗ trợ của chính phủ Thị trường giao dịch lúa gạo Dojima được thành lập. Để trao đổi gạo, có hai loại thị trường gạo, shomai và choaimai. Thị trường shomai là nơi trao đổi gạo thực tế diễn ra. Ở đây, thương nhân mua và bán các loại gạo khác nhau dựa trên giá giao ngay. Chứng từ nhận gạo được cấp cho mỗi giao dịch và sẽ được giải quyết trong vòng bốn ngày. Còn thị trường choaimai là thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đầu tiên. Choaimai tạm dịch là mua bán gạo trên sổ sách. Để có thể tham gia vào thị trường Choaimai, thương nhân được yêu cầu thiết lập đường dây tín dụng với một trung tâm thanh toán. Giao dịch được thực hiện thông qua các trung tâm thanh toán bù trừ, và nếu thương nhân vỡ nợ trong vụ giao dịch đó, trung tâm thanh toán chịu trách nhiệm thanh toán vụ giao dịch đó. Tương tự như ngày nay, trung tâm thanh toán bù trừ hoạt động như một trung gian và đảm bảo hoạt động thanh toán trên các giao dịch. Do đó, Thị trường giao dịch lúa gạo Dojima được cho là thị trường hợp đồng tương lai đầu tiên và cũng là thị trường phái sinh hàng hóa đầu tiên trên thế giới. Tuy là thị trường phái sinh hàng hóa đầu tiên nhưng thị trường giao dịch lúa gạo Dojima không tạo ra sức lan tỏa, phát triển ra các nước lân cận. Chỉ khi ở Mỹ thị trường hàng hóa phái sinh mới lan rộng, phát triển nhanh chóng ở khắp các bang Mỹ và các nước lân cận.
Vào những năm 1970, Mỹ thiết lập nền tảng giao dịch quyền chọn cổ phiếu thông qua sự đột phá lý thuyết định giá quyền chọn (do Fischer Black Myron Scholes đưa ra năm 1973) cùng sự ra đời của hệ thống máy tính, giúp Mỹ tạo làn sóng sử dụng hàng hóa phái sinh một cách rộng rãi đầu tiên trên thế giới. Nhiều sàn giao dịch hàng hóa phái sinh đã ra đời trong những năm đó để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa phái sinh ngày càng tăng tại các bang Mỹ. Sở giao dịch Chicago (CBOE) được thành lập vào năm 1973, Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (American Stock Exchange –ASE), Sở giao dịch Montreal (Montreal Exchange – ME) Sở Giao dịch Chứng khoán Philadelphia (Philadelphia Stock Exchange) bắt đầu kinh doanh quyền chọn năm 1975, còn Sở Giao dịch Thái Bình Dương (Pacific Exchange) bắt đầu giao dịch quyền chọn vào năm 1976. Ở đây, sản phẩm phái sinh giao dịch đã không dừng ở hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai mà phát triển ở dạng mức cao hơn : hợp đồng quyền chọn, hoán đổi.
Làn sóng giao dịch phái sinh thứ hai xuất hiện trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 tại Châu Âu. Trong thời gian này, các sàn giao dịch phái sinh thành lập hầu hết tại thị trường tài chính lớn Tây Âu - quan trọng nhất Sàn giao dịch Liffe (London International Financial Futures and Options Exchange) tại London, nước Anh vào năm 1982; Sàn giao dịch các công cụ tài chính Matif (Marché à Terme International de France) tại thủ đô Paris, nước Pháp trong năm 1986, Sở giao dịch DTB tại Frankfurt, nước Đức vào năm 1990. Hầu hết các sở giao dịch này đều thành lập trung tâm thanh toán bù trừ riêng của mình.
Một bước phát triển lớn tiếp theo cho sản phẩm phái sinh là sự xuất hiện của giao dịch điện tử. Sử dụng lần đầu tiên trên Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME) năm 1992, giao dịch điện tử đã nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi. Lợi ích được từ giao dịch điện tử là tính thanh khoản cao hơn, giảm chi phí giao dịch, và tính minh bạch cao hơn. Ngày nay, hầu như hoạt động giao dịch hàng hóa phái sinh, hàng hóa, hoặc chứng khoán có thể được thực hiện tại nhà riêng của mỗi người.
Trong những năm gần đây, ở các nước phát triển, các sàn giao dịch phái sinh mới đã bắt đầu cạnh tranh với các sàn giao dịch phái sinh trước đây. Ví dụ, Sở giao dịch chứng khoán quốc tế ISE (The International Securities Exchange) bắt đầu hoạt động vào năm 2000 đến giữa năm 2003 trở thành sàn giao dịch đi đầu trong giao dịch quyền chọn cổ phiếu, cùng với Sở giao dịch Chicago (CBOE). Năm 2004, BOX tham gia thành công vào cung ứng giao dịch quyền chọn cổ phiếu tại Mỹ.
Ngoài thị trường phái sinh tại các nước phát triển, thị trường phái sinh ở các nước mới nổi cũng đã định hình và phát triển chuyên sâu. Ba sàn giao dịch phái sinh đã bắt đầu đi vào hoạt động ở Trung Đông từ năm 2005: Sở giao dịch vàng và hàng hóa Dubai, Sở Giao dịch Chứng khoán Kuwait, Sở Giao dịch IMEX Qatar. Riêng Ấn Độ  thành lập các sàn giao dịch phái sinh từ năm 2000 đến 2003: Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ, Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay, Sàn giao dịch MCX Ấn Độ, và Sàn giao dịch NCDEX Ấn Độ. Trung Quốc cũng hình thành 2 sàn giao dịch phái sinh vào năm 2005: Sở giao dịch hợp đồng tương lai Thượng hải (Shanghai Futures Exchange) và Sở giao dịch hợp đồng tương lai tài chính Trung Quốc (China Financial Futures Exchange). Tuy đã có sự phát triển nhất định nhưng tại các thị trường phái sinh các nước mới nổi này cũng chưa có các sản phẩm phái sinh đa dạng như ở các nước phát triển. Đối với các nước đang và kém phát triển thì thị trường hàng hóa phái sinh chưa có định hình hoặc chỉ phát triển các sản phẩm phái sinh truyền thống như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hoán đổi lãi suất.
Tình hình phát triển của thị trường phái sinh toàn cầu
Trong những năm gần đây, lợi ích từ sử dụng các công cụ phái sinh, chẳng hạn như giảm thiểu rủi ro và chuyển giao rủi ro một cách hiệu quả, đã trở nên ngày càng quan trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Phái sinh và Hoán đổi Quốc tế (International Swaps and Derivatives Association) năm 2003 thì 92% trong số 500 tập đoàn lớn nhất thế giới quản lý rủi ro giá bằng cách sử dụng hàng hóa phái sinh. Điều này đã giúp thị trường phái sinh hàng hóa đã có bước phát triển nhanh chóng, đứng vị trí quan trọng trong thị trường tài chính. Trong đó, Châu Âu trở thành khu vực có thị trường phái sinh hàng hóa phát triển nhất, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính châu Âu góp phần một cách trực tiếp cũng như gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, thị trường phái sinh thế giới đã có bước tiến mạnh mẽ, vươn lên trở thành phân khúc lớn nhất của thị trường tài chính thế giới. Tính đến tháng 12 năm 2010, thị trường phái sinh toàn cầu lên tới 687 nghìn tỷ đôla Mỹ tính theo tổng giá trị danh nghĩa hợp đồng giao dịch chưa đáo hạn. Theo cách tính này, quy mô thị trường phái sinh lớn hơn 9 lần so với thị trường cổ phiếu toàn cầu cộng với thị trường trái phiếu tòan cầu. Tuy nhiên, tổng giá trị thị trường ước tính của tất cả các sản phẩm phái sinh chưa đáo hạn chỉ đạt 24 180 tỷ đôla Mỹ, thấp hơn đáng kể so với thị trường cổ phiếu thị trường trái phiếu với mức vốn hóa thị trường lần lượt là 54884 tỷ đôla Mỹ 49519 tỷ đôla Mỹ (theo đồ thị 1).[1] Mặc dù vậy, thị trường phái sinh vẫn là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường tài chính. Tuy gặp suy thoái do khủng hoảng tài chính từ cuối năm 2007 và mới phục hồi vào đầu năm 2011 nhưng tính từ năm 1995 đến 2010, quy mô theo giá danh nghĩa của thị trường phái sinh đã tăng lên khoảng 20% mỗi năm, vượt xa thị trường các công cụ tài chính khác như thị trường cổ phiếu (12%) và thị trường trái phiếu (10%) (Đồ thị 2).
Về cơ cấu của thị trường phái sinh thế giới, tính toán dựa theo thống kê của BIS, thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) chiếm khoảng 87,4% tổng thị trường phái sinh, tương đương 610 nghìn tỷ đôla Mỹ giá trị danh nghĩa các hợp đồng phái sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây, phân khúc thị trường phái sinh tập trung (sở giao dịch các nước) có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với phân khúc thị trường phi tập trung. Điều này do yêu cầu tiêu chuẩn hóa hợp đồng phái sinh ngày càng tăng, thúc đẩy giao dịch trên thị trường tập trung. Ngoài ra, một số yếu tố khác đóng góp vào lợi thế của việc giao dịch trên thị trường tập trung như: minh bạch về giá, hạn chế rủi ro và giảm thiểu chi phí giao dịch. Tuy vậy, thị trường phái sinh phi tập trung vẫn giữ vị thế số 1 của mình bởi chỉ có phân khúc thị trường phái sinh phi tập trung mới có thể vươn mình ra khỏi biên giới các quốc gia, tiếp cận đến mọi khách hàng trên toàn thế giới. Miễn là các nước không áp đặt các rào cản tham gia, thì mọi thành viên đều có thể tiếp cận, có thể giao dịch từ xa và liên tục từ khắp nơi trên thế giới tại thị trường phái sinh phi tập trung (ví dụ như từ sàn giao dịch London có thể giao dịch với sàn giao dịch Eurex ở Frankfurt). Nhờ vào thị trường phái sinh phi tập trung thì thị trường phái sinh mới thực sự mang tính toàn cầu. Ví dụ, ngày nay gần 80% doanh thu tại Sàn giao dịch Eurex, một trong những nơi giao dịch các phái sinh lớn của Châu Âu, có được từ thị trường phái sinh của Đức và Thụy Sĩ, tăng mạnh từ khi chỉ có 18% của mười hai năm trước đây.
Nếu xét về sự phát triển thị trường hàng hóa phái sinh theo từng khu vực trên thế giới thì Châu Âu vẫn đang dẫn đầu thị trường phái sinh thế giới, chiếm 41%, vượt hẳn Bắc Mĩ chỉ có 37%, Châu Á với 15%. 
Trong lịch sử, các giao dịch phái sinh lớn hầu như chỉ nằm trong nước Mĩ (bởi các sàn giao dịch phái sinh của Mĩ như CME, NYMEX và NYBOT đã có từ những năm 1970, khi các nơi khác trên thế giới mới manh nha). Hoạt động giao dịch phái sinh ở Châu Âu chỉ xuất hiện sau khi có sự nới lỏng điều tiết (deregulation) và cho phép sở giao dịch các thành phố hoạt động như doanh nghiệp cổ phần trong những năm 1980 và 1990. Nhờ vậy, những giao dịch phái sinh châu Âu đã độc lập hơn trước sự biến động của thị trường phái sinh Mỹ và các sản phẩm phái sinh được tự do phát triển hơn. Thêm vào đó, việc cung cấp không hạn chế các dịch vụ đầu tư tại châu Âu, cùng với sự ra đời của Luật dịch vụ đầu tư (Investment Services Directive – ISD)  của Liên minh Châu Âu vào tháng 01 năm 1996 lại càng tăng cường vị thế cạnh tranh của châu Âu trong thị trường toàn cầu và giúp nhiều tổ chức tham gia cung ứng hàng hóa phái sinh trên thị trường phái sinh Châu Âu có hướng phát triển đáp ứng thị hiếu thị trường của riêng mình. Nhờ đó, đến nay, nhiều ngân hàng châu Âu hiện vẫn đang đi đầu trong lĩnh vực phái sinh. (Theo kết quả Khảo sát Người sử dụng phái sinh phi tập trung năm 2007 – The Institutional Investor OTC Derivatives User  Survey 2007 – 6 ngân hàng Châu Âu nằm trong tốp 10 tổ chức cung ứng phái sinh được khách hàng ưa chuộng). Hơn nữa, trong những năm qua, Châu Âu vẫn không ngừng nỗ lực cách mạng hóa hoạt động giao dịch thông qua sử dụng giao dịch điện tử và thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Kết quả là, Châu Âu đã tăng cường vị thế của mình, tăng thị phần toàn cầu của họ từ 24% vào năm 1995 đến gần 41% trong năm 2010, trở thành thị trường giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới.
Thị trường phái sinh hàng hóa đóng góp quan trọng và ngày càng tăng vào lĩnh vực dịch vụ tài chính và tạo ra tăng trưởng kinh tế, doanh thu thuế và việc làm. Sự đóng góp của ngành phái sinh vào GDP trên 41 tỷ euro, chiếm khoảng 0,4% trong năm 2006 (Mc Kinsey 2007). Trong năm 2005 doanh thu ngành công nghiệp phái sinh hàng hóa châu Âu chiếm hơn 20% doanh thu các dịch vụ tài chính bán buôn Châu Âu và tạo ra hơn 20.000 công ăn việc làm cho các trung tâm tài chính Châu Âu (theo CEBR/City of London 2007). Thêm vào đó, thị trường phái sinh đã góp phần thúc đẩy xác định giá cả hàng hóa, hạn chế rủi ro giá cả và tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính thông qua tổ chức thị trường giao dịch đa phương, các quy định thích hợp trong việc công khai giá. Đến lượt mình, khi thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn sẽ giúp hạ thấp hơn chi phí vốn, cho phép các doanh nghiệp đầu tư và tiếp cận, sử dụng các nguồn lực tốt nhất có thể. Nghiên cứu của nhiều nhà kinh tế cũng cho thấy hoạt động hiệu quả của thị trường tài chính có thể làm gia tăng GDP thực tế một cách đáng kể(Carmichael/Pomerleano 2002, Levine 1997 và Domowitz/Steil 2002). Thực tế hiện nay cho thấy, mỗi thị trường phái sinh khu vực trên thế giới đóng góp khác nhau vào sự phát triển và hoạt động hiệu quả của thị trường tài chính khu vực đó. Có thể so sánh tỷ trọng quy mô thị trường phái sinh với tỷ trọng quy mô các thị trường khác trên thị trường tài chính để xác định sự đóng góp của thị trường phái sinh đối với sự phát triển của thị trường tài chính. Tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ giá trị danh nghĩa các hợp đồng phái sinh chưa đáo hạn so với giá trị vốn hóa thị trường của thị trường trái phiếu cộng với  thị trường cổ phiếu 6,2 tại Châu Âu, 4,8 cho Bắc Mỹ và chỉ có 2,5 ở Châu Á (theo BIS 2008,WFE 2008). Điều này một lần nữa chứng tỏ thị trường phái sinh Châu Âu đóng góp mạnh nhất vào sự phát triển của thị trường tài chính so với các khu vực khác trên thế giới.
Nếu tại thị trường phái sinh tập trung, các sản phẩm phái sinh đều được tiêu chuẩn hóa cao, được giám sát và điều tiết chặt chẽ thì thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) là nơi giao dịch các phái sinh ít có tiêu chuẩn, hoặc tiêu chuẩn chủ yếu dựa vào thỏa thuận giữa hai bên, ít bị giám sát và điều tiết bởi cơ quan Nhà nước. Do đó, bất kỳ một phái sinh hàng hóa nào mới được hình thành, không tiêu chuẩn cho đến các phái sinh được tiêu chuẩn hóa cao đều có thể giao dịch trên thị trường phái sinh OTC này. Dần dần, thị trường phái sinh phi tập trung trở thành nơi hình thành và phát triển các sản phẩm phái sinh mới, cơ bản, hỗ trợ các sản phẩm phái sinh mới này “tiến hóa”, phát triển hơn, được chuẩn hóa hơn. Chính vì vậy, thị trường phái sinh tập trung và phi tập trung vẫn song song tồn tại. Và đó cũng là lý do quy mô và sự đa dạng sản phẩm phái sinh của thị trường phi tập trung lớn hơn nhiều so với thị trường tập trung. Qua đây, có thể thấy thị trường phi tập trung là động lực để thị trường tập trung phát triển, hoàn thiện mình và đa dạng sản phẩm phái sinh giao dịch hơn. Nhận thấy điều này, nhiều nước hoàn toàn buông lỏng kiểm soát và quản lý thị trường phi tập trung với mục đích tích cực là để thị trường phái sinh phi tập trung hoàn toàn phát triển hết tiềm năng thực; sau đó hỗ trợ phát triển thị trường phái sinh tập trung. Chính phủ Mỹ là một người tiên phong trong lĩnh vực này. Và để rồi hậu quả đắt giá từ sự buông lỏng điều tiết các chứng khoán phái sinh là tạo bong bóng nhà đất, tiếp đó là sự đổ vỡ, phá sản của nhiều ngân hàng và tập đoàn tài chính, làm tắc nghẽn hoạt động của nhiều ngành kinh tế quan trọng và được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Đây là vấn đề cần hết sức chú ý và là bài học cho các cơ quan giám sát tài chính.
Trước việc bùng nổ và đổ vỡ bong bóng Dot-com mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 mà sự kiện 11/9 năm 2001 cùng các vụ bê bối kế toán trong các năm 2001 – 2002 làm trầm trọng hơn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nới lỏng chính sách tiền tệ với động thái liên tục cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 1 % duy trì hết năm 2004 nhằm khôi phục nền kinh tế Mỹ. Điều này đã giúp các ngân hàng phố Wall dễ dàng tiếp cận vốn vay từ FED để đẩy vốn ra, giúp nền kinh tế phục hồi. Sự gia tăng tín dụng này còn được đẩy mạng bởi dòng vốn ồ ạt của nước ngoài, một hệ quả của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của những nền kinh tế mới nổi (Châu Á, Trung Đông). Kết quả là bùng nổ tín dụng, lãi suất cho vay thấp (lãi suất cho vay cố định 30 năm chỉ 4-5%/năm) ở Mỹ. Đồng thời, việc hạ lãi suất xuống còn 1% đã khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm những kênh đầu tư sinh lợi hơn so với kênh trái phiếu kho bạc. Nhưng vết tích của khủng hoảng dot-com năm 2000 khiến đa số các lĩnh vực kinh tế vẫn còn bất ổn, chỉ duy nhất thị trường nhà ở vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Điều này khiến thị trường nhà ở thành tâm điểm đầu tư và được dự báo tiếp tục sẽ còn “nóng lên” trong thời gian dài.
Tuy vậy việc quay vòng vốn cho vay ở thị trường nhà ở là khá dài, khoảng 15 – 30 năm nên để thu hồi vốn nhanh mà tránh rủi ro vỡ nợ hoặc buộc phải tịch thu tài sản, hầu hết các ngân hàng thương mại đã sử dụng một công cụ phái sinh được gọi là chứng khoán hóa nợ. Trước hết các ngân hàng thương mại tập hợp và bán danh mục cho vay mua nhà của mình cho các ngân hàng đầu tư phố Wall hoặc các doanh nghiệp cho vay thế chấp mua nhà do chính phủ bảo trợ (GSEs) là Freddie Mae và Fannie Mac với nhiệm vụ tăng tính thanh khoản cùa thị trường cho vay thế chấp. Tiếp theo, các GSEs và các ngân hàng đầu tư này chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp này thành các sản phẩm chứng khoán phái sinh như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS-Mortgage Backed Securities), trái phiếu được đảm bảo bởi các khoản nợ có thế chấp (CMO – Collateral Mortgage Obligations) rồi đem bán cho các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp với lãi suất 5-6%, cao hơn 1% của trái phiếu kho bạc. Với mức độ rủi ro thấp (đa số tài sản cơ bản của những chứng khoán phái sinh này là những khoản vay thế chấp đạt chuẩn) nên các nhà đầu tư phố Wall đổ vốn vào mua các MBS, CMO, khiến khoản cho vay thế chấp mua nhà đạt chuẩn cạn kiệt, xuất hiện cho vay dưới chuẩn. Cùng với sự nới lỏng điều tiết đối với hoạt động cho vay mua nhà ở (do chính sách khuyến khích dân nghèo và nhóm dân da màu được vay tiền dễ dàng hơn để mua nhà), sự đánh giá tín nhiệm vô trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng (nhiều tổ chức được đánh giá AAA – loại rất tốt nhưng thực tế là đánh giá không đúng sự thật) đã khiến các ngân hàng thương mại, các tổ chức đại lý cho vay, các nhân viên môi giới, các tổ chức cho vay bất động sản ngày càng trở nên mạo hiểm hơn trong việc cho vay, bất chấp khả năng trả nợ của người vay. Sự bành trướng ngày càng lớn của hoạt động cho vay dưới chuẩn đầy rủi ro cao này là quả bom đang phình lớn, chờ thời điểm phát nổ.
Đồng hành với sự phát triển càng tinh vi và phức tạp của công nghệ tài chính, chứng khoán phái sinh không chỉ dừng lại ở thị trường nhà đất với khoản cho vay thế chấp nhà mà vươn móng vuốt của mình đến các phân khúc thị trường cho vay thế chấp khác, hình thành nên các biến thể khác của MBS, CMO. Cùng với các khoản nợ thế chấp, nhóm tài sản bảo đảm cũng được mở rộng ra hơn bao giờ hết, bao gồm thêm một số lượng lớn những khoản vay công ty, vay mua ô tô, thẻ tín dụng, thậm chí là các khoản nợ LBO (các khoản vay mua lại cổ phần); giúp hình thành nên một chứng khoán phái sinh tổ hợp cấp cao với tên gọi “Quái vật tổ hợp”. “Quái vật tổ hợp” (hybrid monster) này được gọi là nghĩa vụ nợ có đảm bảo thế chấp (CDO – The Collateralized Debt Obligations) với cấu trúc hết sức phức tạp, gồm các khoản đảm bảo không đồng nhất, được chia nhỏ thành các gói có những đặc điểm và rủi ro khác nhau theo nhiều tiêu chuẩn, phương thức thanh toán, nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của các nhà đầu tư.
Đến giữa năm 2007, trước tình hình tăng trưởng nóng và lạm phát có xu hướng tăng, FED đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ép chặt tín dụng và đẩy lãi suất lên cao khiến nhiều người vay nhà không trả được nợ. Tình trạng vỡ nợ xảy ra mọi nơi, giá nhà lại càng sụt giảm sâu hơn kéo theo giá trị các sản phẩm chứng khoán phái sinh như MBS, CMO, CDO tụt mạnh, thậm chí đóng băng trên thị trường thứ cấp. Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, các chuyên gia đã ước tính rằng trong 22000 tỷ đôla Mỹ giá trị bất động sản tại Mỹ - tâm chấn của cuộc khủng hoảng – có tới hơn 12000 tỷ đôla Mỹ là tiền đi vay và trong đó khoảng 4000 tỷ đôla Mỹ là nợ xấu. Một sản phẩm phái sinh “ mang mầm bệnh” nữa là “Hoán đổi vỡ nợ tín dụng” (“Credit Default Swap” – CDS). Các hợp đồng này do các tổ chức tài chính và các công ty bảo hiểm quốc tế bán ra. Các tổ chức này cam kết sẽ hoàn trả đầy đủ số nợ cho vay cho bên mua CDS nếu bên đi vay không trả được nợ. Sản phẩm CDS này thường được các nhà đầu tư như quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư mua để xóa hoặc ngăn cản rủi ro xảy ra cho các gói sản phẩm chứng khoán phái sinh MBS, CMO, CDO đã mua trước đó. Thống kê của hiệp hội phái sinh và hoán đổi quốc tế ISDA (International Swap and Derivatives Association) về sản phẩm này cho thấy tại Mỹ tổng số CDS ước tính khoảng 35000 tỷ đôla Mỹ và trên thế giới khoảng 54600 tỷ đôla Mỹ. Và khi các sản phẩm chứng khoán phái sinh mà CDS bảo lãnh chao đảo thì đến lượt CDS cũng đổ vỡ theo, kéo các tổ chức bán CDS lâm vào thảm cảnh.  Sự sụp đổ của các chứng khoán phái sinh đã tạo nên rung chuyển, ngã quỵ của nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng chủ quản và bảo hiểm hàng đầu Mỹ cũng như thế giới như AIG, BNP và Lehman Brothers, Citigroup, Goldman Sachs, Bank of America, Morgan Stanley, Merril Lynch. Không ngừng ở thị trường tài chính Mỹ, lúc này, các công cụ phái sinh phát huy mặt trái của nó, tiếp tục tàn phá các định chế tài chính trên toàn cầu. Thực hiện theo Mỹ, các tổ chức tài chính lớn mạnh của các nước trên thế giới cũng tự tạo và bán ra các sản phẩm chứng khoán phái sinh của mình như MBS,CMO,CDO, CDS…; thậm chí làm trung gian mua bán hoặc chứng khoán lại nhiều lần các chứng khoán phái sinh mua được từ các tập đoàn tài chính Mỹ và các quốc gia khác để thu lời. Với mức độ khác nhau, các định chế tài chính trên khắp thế giới đều bị ảnh hưởng. Các ngân hàng ở Anh đã chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Mặc dù đã được cứu từ năm 2007, nhưng ngân hàng Northern Rock vẫn bị khoản nợ xấu lên tới 191,6 tỷ USD tính đến hết tháng 7/2008. Ngày 29/9/2008, Bộ Tài chính Anh đã tuyên bố quốc hữu hóa tập đoàn cho vay kinh doanh bất đông sản lớn nhất nước này là Bradford & Bingley Plc nhằm bảo vệ khách hàng của tập đoàn này do thua lỗ liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Mỹ và không có khả năng trụ vững.. Tiếp theo ngân hàng nói trên ở Anh, cuối tháng 9/2008 một số ngân hàng lớn khác tại Châu Âu như Fortis của Bỉ và Lúc xăm bua, Dexia của Bỉ và Pháp, ngân hàng Hypo Real Estate, ngân hàng Commerzbank của Đức cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng và đòi hỏi sự cứu trợ của Chính phủ. Ngành ngân hàng là ngành trọng yếu trong mọi nền kinh tế, là trung gian tài chính cho mọi ngành kinh tế khác dựa vào. Sự khủng hoảng của các tập đoàn ngân hàng và tập đoàn tài chính  các nước đã kéo theo sự hoảng loạn của các ngành khác, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hoạt động sản xuất của nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung: lạm phát tăng cao, thất nghiệp tăng, chỉ số chứng khoán thế giới tụt dốc, đình trệ tiêu dùng …. Điều này cho thấy điểm khác biệt giữa cuộc khủng hoảng lần này so với cuộc đại suy thoái 1930 chính là các “ phát kiến tài chính” – những công cụ phái sinh góp phần tăng thêm mức độ trầm trọng cho cuộc khủng hoảng này. Đúng như những gì Warrant Buffet đã nói : “Chứng khoán phái sinh là loại vũ khí tài chính có sức hủy diệt kinh khủng, mang theo những nguy hiểm mà giờ đây – năm 2003 – đang bắt đầu âm ỉ hủy diệt”.Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là đổ hết mọi tội lỗi lên các công cụ tài chính phái sinh. Vấn đề ở dây là giám sát thị trường. Khẩu hiệu “ Hãy để mọi thứ cho  thị trường tự do điều tiết, Chính phủ càng can thiệp ít vào hoạt động của thị trường càng là một Chính phủ tốt”, qua cuộc khủng hoảng lần này đã lỗi thời. Ông Alan Greenspan, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ đã phát biểu trước Quốc hội, thừa nhận sai lầm của mình khi không kiểm soát nghiêm ngặt các chứng khoán phái sinh. Thêm vào đó là việc lạm dụng các công cụ phái sinh, mà xuất phát điểm là từ long tham của ban quản trị công ty trước những nới lỏng trong chính sách tài chính cũng như pháp luật của Chính phủ.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007 – 2008 chưa phải là đoạn kết cho các công cụ phái sinh, cũng như thị trường phái sinh. Qua biểu đồ trên, ta có thể thấy chứng khoán phái sinh đạt đỉnh điểm vào năm 2006 với con số lên tới 2000 tỷ đôla Mỹ nhưng gần như lụy tàn vào những năm sau đó, đến năm 2009 thì con số chỉ còn vỏn vẹn gần 200 tỷ đôla Mỹ. Dù vậy, thị trường phái sinh vẫn có những bước tăng trưởng, dù tốc độ chậm hơn hẳn so với những năm trước khủng hoảng. Nếu đến tháng 6 năm 2010, thị trường phái sinh toàn cầu chỉ đạt 457 nghìn tỷ đôla Mỹ thì đến tháng 12 năm 2010, thị trường phái sinh toàn cầu lên tới 687 nghìn tỷ đôla Mỹ tính theo tổng giá trị danh nghĩa hợp đồng giao dịch chưa đáo hạn. Điều này chứng tỏ rằng sự suy thoái của chứng khoán phái sinh chỉ là di chứng mà khủng hoảng mang lại cho thị trường phái sinh. Sự tồn tại và phát triển của thị trường phái sinh vẫn là tất yếu bởi những chức năng “giảm thiểu rủi ro, chuyển rủi ro” của sản phẩm phái sinh mà các sản phẩm tài chính khác khó có được.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những nước đã và đang phát triển thị trường phái sinh hàng hóa. Thực sự, thị trường phái sinh phi tập trung sẽ là cơ sở để hình thành thị trường phái sinh tập trung, từ đó phát triển thị trường phái sinh nói riêng và thị trường tài chính nước đó nói riêng.  Tiềm năng phát triển thị trường phái sinh phi tập trung là khá lớn, nhất là trước những nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm phái sinh của con người. Nhưng vấn đề ở đây là phát triển thị trường phái sinh như thế nào, kiểm soát và điều tiết thị trường phái sinh phi tập trung ra sao để tránh khỏi vết xe đổ mà Mỹ đã đi qua nhưng cũng không làm hạn chế, mất đi tiềm năng phát triển của thị trường phái sinh phi tập trung.
KẾT LUẬN
Chỉ sau hơn 300 năm (3 thế kỷ), từ sự khởi đầu của thị trường phái sinh sơ khai, thị trường giao dịch lạo gúa Dojima ở Nhật; đến nay,thị trường phái sinh thế giới đã phát triển khá năng động và nhanh chóng trở thành phân đoạn quan trọng nhất của thị trường tài chính. Nhưng thị trường phái sinh phát triển mạnh nhất phải kể đến thị trường phái sinh Châu Âu, với sự xuất hiện của sàn giao dịch, sự nỗ lực phát triển thị trường, không ngừng cung ứng các sản phẩm phái sinh đa dạng đáp ứng nhu cầu trong những thập kỷ qua. Trong quá trình nỗ lực không nghỉ này, Châu Âu đã khẳng định vị thế của mình với thị phần chiếm 41% tính theo giá trị danh nghĩa hợp đồng còn lại.
Cạnh tranh để phát triển, cả hai phân đoạn thị trường phái sinh thế giới, thị trường phái sinh tập trung và thị trường phái sinh phi tập trung đã thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và sản phẩm, đưa ra các sản phẩm phái sinh đa dạng, phù hợp nền kinh tế. So với thị trường phái sinh tập trung, thị trường phái sinh phi tập trung vẫn khẳng định tiềm năng phát triển vượt bậc và tầm quan trọng của mình, với thị phần chiếm tới 87%. Tuy nhiên, điểm cần phải cân nhắc ở đây là quản lý thị trường phái sinh phi tập trung một cách hợp lý, tiếp tục thúc đẩy tiềm năng phát triển nhưng trong vòng kiểm soát, tránh đi lệch đường ray, rơi vào vết xe của Mỹ.




[1] Giá trị thị trường của các hợp đồng phái sinh được tính sau khi đã loại trừ hết tất cả các rủi ro (aggregated net risk position), do đó thường có giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá trị danh nghĩa của hợp đồng phái sinh.






 [U1]Gọn lại, bổ sung thêm ý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tài liệu phương pháp Lục chỉ cầm ma - tác giả: Khắc Quy

Bộ tranh " Hà Nội xưa"

Đắc nhân tâm